Bối Cảnh Lịch Sử Trong Manhwa: Từ Thời Phục Hưng Đến Văn Hóa Du Mục Di-gan
Nếu bạn nghĩ manhwa chỉ có những câu chuyện tình yêu ngọt ngào hay những trận chiến siêu thực, thì có lẽ bạn đang bỏ lỡ một thế giới vô cùng kỳ diệu: những bộ truyện khéo léo đưa bối cảnh lịch sử vào từng nét vẽ. Từ thời kỳ Phục Hưng rực rỡ, các thành phố bụi bặm của cuộc Cách mạng Công nghiệp, đến thời đại tàu thuyền lộng gió và văn hóa phóng khoáng của người Di-gan – manhwa đã biến lịch sử thành nguồn cảm hứng bất tận. Hãy cùng ĐGT du hành qua những dấu mốc thời gian này nhé!

1. Thời kỳ Phục Hưng: Khi hào quang và mưu lược giao thoa
Châu Âu thế kỷ XV – XVII là bức tranh rực rỡ của nghệ thuật, khoa học và những cuộc cách mạng xã hội âm thầm. Trong manhwa, thời kỳ này hiện lên tráng lệ và đầy mê hoặc, đặc biệt là qua những tác phẩm như Kiếp Này Nhất Định Làm Gia Chủ.
- Thời trang quý tộc: Váy lụa nhiều lớp, áo choàng “giornea” tinh xảo, cùng với những bộ váy ngoại “gamurra” tôn dáng đã được tái hiện sống động. Từng đường kim mũi chỉ, từng nếp gấp đều lột tả được vẻ đẹp xa hoa, quyền lực của giới quý tộc.
- Những cung điện quyền lực: Những lâu đài nguy nga, hành lang thầm kín và khu vườn thơ mộng… tất cả đã tạo nên sân khấu lý tưởng cho những câu chuyện về tình yêu, âm mưu và tranh đoạt quyền lực.
2. Cách mạng Công nghiệp: Khói bụi, tham vọng và cách mạng xã hội
Thế kỷ XVIII – XIX, với những nhà máy khổng lồ và các thành phố ngập tràn tiếng máy móc, đã mở ra một kỷ nguyên mới. Trong manhwa như Serena, thời kỳ này không chỉ được vẽ bằng ống khói đen ngòm mà còn bằng những khát khao đổi đời cháy bỏng.
- Thời trang thực tế hơn: Váy áo cầu kỳ dần nhường chỗ cho những thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và thực dụng, phản ánh nhịp sống hối hả của xã hội mới.
- Bối cảnh thành phố công nghiệp: Các con phố đông đúc, khu ổ chuột nghèo nàn bên cạnh những biệt thự tráng lệ đã khắc họa sự chênh lệch giai cấp sâu sắc – đề tài quen thuộc của nhiều bộ manhwa thời kỳ này.
3. Thời đại tàu thuyền: Những quý tộc biển cả và mối tình trên sóng
Khi thế giới bước vào thời kỳ khám phá đại dương (thế kỷ XVI – XIX), những cuộc phiêu lưu trên biển trở thành biểu tượng cho tự do, tham vọng và vinh quang. Một trong những bộ truyện nổi bật lấy cảm hứng từ thời kỳ này chính là Hôn Nhân Này Rồi Sẽ Đổ Vỡ.
- Đồng phục thủy quân: Áo đuôi tôm lịch lãm, áo frock thanh lịch và những bộ lễ phục trang trọng đã thể hiện uy quyền và địa vị xã hội.
- Trang phục phụ nữ: Váy dạ hội nhẹ nhàng, sử dụng lụa, cotton và những lớp lưới tinh tế khiến nhân vật nữ vừa dịu dàng, vừa quý phái, đồng thời vẫn linh hoạt trong nhịp sống hối hả.
4. Văn hóa Di-gan: Những kẻ du mục huyền bí và tự do
Với lịch sử di cư qua nhiều vùng đất, người Di-gan mang theo mình một kho tàng văn hóa đầy màu sắc. Trong manhwa như Hôn Nhân Săn Mồi hay Dấu Vết Của Mặt Trăng, hình ảnh người Di-gan hiện lên huyền bí và rực rỡ.
- Thời trang phóng khoáng: Váy xòe rộng, khăn choàng đầu rực rỡ và áo tay ngắn thoải mái, tất cả đều thấm đẫm tinh thần tự do, hòa cùng những điệu múa và bài ca du mục đắm say.
5. Thời trang hiện đại: Khi lịch sử gặp gỡ “gu” thẩm mỹ đỉnh cao
Ngày nay, trang phục không chỉ phản ánh phong cách cá nhân mà còn là cách kể chuyện riêng biệt của mỗi nhân vật. Trong Trêu Nhầm, bộ sưu tập trang phục cực “sang-xịn-mịn” của Trịnh Thư Ý và Thời Yến đã trở thành biểu tượng cho thời trang hiện đại trong manhwa.
Kết lại
Manhwa không chỉ đơn thuần là những câu chuyện, mà còn là những cánh cổng mở ra vô số bối cảnh lịch sử kỳ thú. Từ sự hào nhoáng của Phục Hưng, bụi bặm của Cách mạng Công nghiệp, những cuộc phiêu lưu giữa biển khơi cho đến tinh thần tự do của người Di-gan – mọi lát cắt thời gian đều được thổi hồn sống động. Nếu bạn muốn vừa thưởng thức những câu chuyện hấp dẫn, vừa đắm mình vào những bối cảnh lịch sử lộng lẫy, thì đừng bỏ qua những bộ manhwa đặc sắc này nhé!
Nguồn: Vcomycs
Không có bình luận.